Lan man chuyện Tết xưa

Không biết tự bao giờ, Tết cổ truyền Việt Nam đã là ngày hội của dân tộc, là biểu hiện cao nhất của lề thói xưa. Sau một năm vất vả lăn lộn với cuộc sống, đây là thời điểm mà người dân tự cho phép mình được nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần, tận hưởng thú vui bên gia đình đoàn tụ. Người ta lại tìm đến những hình ảnh tiêu biểu cho ngày Tết dân tộc, trong đó những tờ tranh dân gian Đông Hồ không thể thiếu vắng trong văn hóa làng xã.

172058_tet_LanManChuyenTetXua-(1)

Không biết tự bao giờ, Tết cổ truyền Việt Nam đã là ngày hội của dân tộc, là biểu hiện cao nhất của lề thói xưa. Sau một năm vất vả lăn lộn với cuộc sống, đây là thời điểm mà người dân tự cho phép mình được nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần, tận hưởng thú vui bên gia đình đoàn tụ. Người ta lại tìm đến những hình ảnh tiêu biểu cho ngày Tết dân tộc, trong đó những tờ tranh dân gian Đông Hồ không thể thiếu vắng trong văn hóa làng xã.

Nhà thơ Tú Xương – một nhà thơ bất đồng tình, bất đắc chí với xã hội đương thời đầu thế kỷ 20, cũng phải thốt lên:

Đì đẹt ngoài sân tràng pháo nổ

Om thòm trên vách bức tranh gà

 Thi sĩ Hoàng Cầm cũng từng đắm đuối:

Bên kia sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Năm nay là năm con Gà (Đinh Dậu), chúng ta hãy về thăm làng quê tuy không còn những bức tranh Gà Lợn được dán trên vách tranh nghèo, nhưng ký ức về một hình tượng mang ý nghĩa tượng trưng và triết lý nhân sinh về hạnh phúc, sung mãn, phồn thực vẫn còn hiện hữu trong tâm tưởng mỗi người nghệ sĩ văn thơ nhạc họa Việt Nam từ xưa đến nay. Tôi hình dung bức tranh quê ấm áp từ ký ức nghệ sĩ tuôn trào trên tác phẩm của mình đã trở nên gần gũi.
Từ hành trang chu du ngày Tết, tranh con giống của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm ra đời. 12 con giáp ông vẽ đủ cả trên giấy. Bột màu là chất liệu bình dân trong tay Nguyễn Tư Nghiêm được biến hóa lạ thường. Mỗi độ Xuân về, ông lại khai bút về con vật của năm đó với những hình thái dũng mãnh, uyển chuyển, ngộ nghĩnh… Tết Dậu vẽ gà, Hợi vẽ lợn, Thìn vẽ rồng, Mùi vẽ dê…, ông bộc lộ những tình cảm bâng khuâng chờ đợi trước tháng năm tưởng nhìn nó trôi đi trong hư vô, nhưng ta lại thấy được hình ảnh xưa cũ qua hình hài con giống qua tranh Nguyễn Tư Nghiêm thật gần gũi. Qua năm tháng, tranh con giống của Nguyễn Tư Nghiêm đều có thay đổi, khi biến hóa lơ đãng, khi hoạt bát tung hoành, nhưng điều hiển hiện trên tranh ông không mặc cảm tôn giáo mà gửi gắm một đời sống tạo hình mới mẻ của riêng ông đã suy tư trên nền vóc văn hóa dân tộc.Qua thảm ruộng lúa chiêm vừa cấy buông tay, mấy bà mẹ đon đả theo các ngả đường ẩm ướt vì mưa phùn, gồng gánh trên vai, họ đi sắm sửa với vẻ mặt lo lắng cho cái Tết của mình được chu đáo. Trên đường cái quan trông xuống, chợ đã họp đông nghịt dưới mấy gốc đa ở đầu làng, lan mãi từ dốc đến tận sân đình. Đình làng bao đời đã là một địa thế gần chợ, gần sông, nơi tụ họp dân làng vào những ngày hội hè đình đám. Trong ngày cuối năm, sân đình là khu chợ lớn đa sắc. Cảnh đẹp nhất vẫn là mấy cụ đồ Nho nằm xoài trên mảnh chiếu cũ, thảo những nét đại tự mực Nho đen nhánh trên giấy hồng điều. Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã có nhiều bức “thầy đồ” như vậy, hòa sắc đỏ đen vùng vẫy gợi mở ý thơ Vũ Đình Liên: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Trên phố đông người qua”. Từ những phiên chợ quê cuối năm, dãy hàng mã với hình ảnh chú ngựa, voi với những màu tươi rói, tranh Gà Lợn lấp ló trong bồ của nghệ nhân Đông Hồ, mũ ông Công ông Táo cánh chuồn lốm đốm sao, óng ánh trang kim, mặt kính lóng lánh.

Những thập niên trước đây, quen rồi, bạn bè lại đến ông nhận những tấm tranh hình hài con vật của năm mới, nét háo hức hồn nhiên từ những người bạn vong niên thôi thúc ông vẽ triền miên trong cảm thức sung mãn, hân hoan thắp lên những kỷ niệm, ước mơ, quên đi mọi vất vả nhỡ nhàng của năm qua để chỉ thấy trước mắt là niềm vui Xuân đến.
Đêm Trừ tịch trời tối đen như mực. Cả một tháng, một tuần, rồi một ngày lo cái Tết. Đêm 30 thiêng liêng cho mỗi người làm chủ gia đình. Người chồng lo khăn áo chỉnh tề trước bàn thờ gia tiên khói hương nghi ngút. Bàn thờ cúng Giao Thừa được bày biện ở hướng trời may mắn. Hồi hộp, lo lắng, thấp thỏm, sợ tiếng chó sủa mèo gào trong giờ phút Giao Thừa thiêng liêng, không gian như nén lại đặc quánh. Mọi người đi lại nhẹ nhàng, không ai dám nói to, chỉ có lũ trẻ con là sung sướng, ngủ tít, trong tay lại ôm quần mới còn cứng bột hồ vải mẹ đã mua trong buổi chợ chiều 30 Tết.Cũng vậy, màu sắc rực rỡ tươi rói trên những tấm tranh Gà Lợn từ phiên chợ quê cuối năm lại nhảy nhót xôn xao trên vách tranh nghèo đã được quét lại vôi trắng xóa mừng năm mới. Người nông dân đồng bằng Bắc bộ từ bao đời đón Tết bằng cả trái tim nhân hậu, tình làng nghĩa xóm. Từ Tết ông Công ông Táo đã hẹn hò rủ nhau “đụng lợn”. Cuối năm rộn ràng tiếng chày giã giò, tiếng lợn kêu gà gáy, tiếng cười nói rôm rả sau lũy tre làng đầm ấm. Một năm là dòng đời trôi chảy thành bại vui buồn, nhưng khái niệm sung mãn phồn thực, vui vẻ hạnh phúc không bao giờ vơi trên hình tượng Gà Lợn trong văn hóa dân gian.

Người Hà Nội đón Tết bằng nét riêng của chốn Kinh kỳ. Sau ngày 23 tháng Chạp tiễn ông Táo chầu trời, không khí đón Tết mới được nhen nhóm trong gia đình. Người mẹ đóng vai trò quan trọng trong điều hành Tết. Đầu tiên là sắm sửa đồ lễ đến gia đình ông trưởng hai bên nội ngoại. Hộp mứt sen, lọ chè của hiệu Chính Thái (phố Hàng Ngang) bọc giấy bóng đỏ, cân cam, cân táo… tất cả thật thanh khiết, thành kính, tuyệt đối không có phong bì tiền. Chợ Đồng Xuân, Bắc Qua lại là nơi tưng bừng nhất để các bà mẹ tìm mua những hàng khô nấu cỗ. Măng, mực, đặc biệt tôm khô, được xâu thành chuỗi, mỗi xâu 5 con đều nhau trong thanh tre, cá thu ép trong nẹp tre đã được nướng qua, rồi bóng, miến, nấm hương, sang hơn là vây, bóng, yến, lạp sườn Trung Hoa, trứng đen, trứng muối… Công sở bắt đầu nghỉ Tết, các ông vào vai trò trang hoàng nhà cửa, lau dọn ban thờ tổ tiên. Như một sắp đặt tự ngàn xưa, đàn bà làm bếp, đàn ông lo việc bàn thờ, đèn nhang, thậm chí đàn bà không được bước chân vào gian thờ nhà chồng khi chưa có đàn ông bước chân vào lễ trước.
Trẻ con mong Tết đến nhiều nhất không phải được lì xì tiền mà được nghỉ học, được mặc quần áo đẹp, được cha mẹ dẫn đi chơi họ hàng, bạn bè. Không cần căn dặn nhiều, các em bé đã biết khoanh tay cúi đầu chào khách, vâng dạ lễ phép. Nếu được lì xì (chỉ vài xu) thì gấp tiền cẩn thận cho vào phong hương thẻ mà bố mẹ chuẩn bị trước cho con. Ai cũng cảm thấy ngày 30 Tết là ngày dài nhất. Bữa cơm Tất niên sum họp gia đình thiêng liêng đoàn tụ, ôn chuyện cũ, ước mong điều mới mẻ, thành đạt trong năm mới. Khi chia tay, mọi người đều nói sang năm chúng con (chúng cháu) sẽ đến chúc Tết ông bà, bố mẹ. Mà sang năm chỉ là ngày hôm sau – ngày Mùng Một Tết.Trang trí nhà cửa của người Hà Nội xưa thật thanh nhã, không có cây đào, cây quất nhấp nháy đèn xanh đỏ, chỉ là một cành đào phai, chậu cúc đại đóa đặt trên đôn sứ cổ. Quan trọng nhất là giò thủy tiên, trên lá xanh uốn quăn là hoa trắng muốt, nhị vàng, hương thơm dìu dịu. Cho đến nay, tôi ít gặp các giò thủy tiên lá ngắn quăn queo, mà là những giò hoa lá thẳng đứng, hoa cũng vươn cao theo lá. Hỏi ra các cụ cho biết hiện nay không có nhiều người biết gọt thủy tiên cho hoa lá thêm đúng độ, cắt gọt tỉa để hoa và cành tạo thành một bầu tròn gọn ghẽ ôm ấp. Chơi hoa thủy tiên cũng rất cầu kỳ, giò hoa phải đặt trong bát thủy tinh cốt để trông thấy bộ rễ trắng muốt. Đêm 30 Tết vừa ngồi đợi đón Giao Thừa, nhâm nhi chén trà nóng, vừa chờ xem hoa nở, thật hạnh phúc.
Tết xưa – Tết nay trên mọi miền Tổ quốc với ước mơ ngàn đời của người Việt là một cái Tết thanh bình, no ấm đoàn tụ. Dù của cải vật chất chưa được dư thừa nhưng tình làng nghĩa xóm, phong tục cổ truyền được xây đắp gìn giữ vẫn luôn hiện hữu trong tâm hồn người Việt. Mỗi độ Xuân về, kỷ niệm Tết xưa lại lắng đọng những câu chuyện đã trở thành cổ tích ký ức trong mỗi gia đình truyền thống Việt Nam.Phải là người Hà Nội gốc mới cảm nhận được hết cái tiết Xuân rất Hà Nội. Không gian tĩnh lặng, thơm tho, thanh khiết. Trời se lạnh, đường phố sạch trơn, một vài cặp vợ chồng trẻ đi bộ, quần áo nền nã sang trọng êm ả bên nhau, tuyệt nhiên không phải nghe tiếng cười nói thô tục, ồn ào. Mấy cô gái trẻ đi trên cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn dâng hương xin thẻ cầu may mắn, tay giữ bên vạt áo cho gió hồ khỏi thổi tung bay trông thật kiều mị, khuê các. Ngày Mùng Một Tết rất ít khách đến ngoài người khách được gia chủ kén chọn mời xông đất. Người đó sẽ mang lại may mắn cả năm. Bởi vậy người xông đất phải là người song toàn, con cháu thành đạt viên mãn.

 

Nguyễn Hải Yến

Nhà nghiên cứu phê bình Mỹ thuậ

Lan man chuyện Tết xưa
4.5 (90%) 2 votes